Hơn một lần các nhà quản lý bóng đá phải đối diện với câu hỏi: Tổ chức giải hay không tổ chức giải? Áp lực hủy giải lớn đến mức Chủ tịch VPF phải đánh cược cả chiếc ghế của mình vào đó. Làn sóng đòi hủy giải diễn ra từ âm thầm đến công khai. Lần đầu tiên có một số Chủ tịch CLB công khai đăng đàn đòi dừng cuộc chơi với lý do chống dịch hoặc giảm thiểu thiệt hại về tài chính.
Thực ra thì đã bước chân vào cuộc chơi, các nhà tổ chức giải hay bản thân các đội bóng luôn phải xác định sẽ đối diện với áp lực cực lớn. Thế nhưng, Covid-19 mang đến những khó khăn mà tất cả đều không thể lường hết. Không ai dám chắc bao giờ sẽ hết dịch và khi mùa giải bị kéo dài sẽ bào mòn sự kiên nhẫn và nguồn lực tài chính của cả hệ thống, đặc biệt là những đội bóng nghèo.
Vậy nhưng, bất chấp khó khăn tứ bề, V.League vẫn đến đích một cách rực rỡ. Đáng nói, bóng đá Việt Nam làm quen với thể thức thi đấu mới vốn được sinh ra để phù hợp với quỹ thời gian eo hẹp nhưng rút cuộc đã mang đến sự minh bạch và bùng nổ cho các cuộc đua. Chức vô địch phải đến vòng đấu cuối cùng mới có thể xác định được. Quan trọng hơn, giới chuyên môn và NHM chứng kiến một cuộc đua sòng phẳng, hấp dẫn và đầy sự minh bạch. Cuộc chiến chống xuống hạng cũng diễn ra vô cùng kịch tính và kết quả cuối cùng đã phản ánh đúng những gì diễn ra.
Vậy mới nói, trong cái khó đã ló cái khôn. Có thể phương án tổ chức mùa giải 2020 chỉ mang tính tình thế nhưng nó lại vô cùng phù hợp với hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam. Và cũng từ cuộc đua minh bạch này, các nhà quản lý và bản thân các đội bóng phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về phương án tiếp theo cho V.League 2021. Bởi chắc chắn một điều, mùa giải tới chúng ta sẽ tiếp tục phải đối diện với sự eo hẹp về thời gian cùng những yếu tố khách quan chưa thể sớm thay đổi.
Discussion about this post