Khi FLC đến, bóng đá Thanh Hóa thực sự lột xác. Từ một đội bóng hạnh phúc với việc trụ hạng vững vàng hoặc chen chân vào nhóm có khả năng cạnh tranh huy chương họ đã trở thành một thế lực mới ở bóng đá nước nhà. Những ngôi sao sáng nhất của làng bóng đá Việt đều muốn đầu quân cho Thanh Hóa. Nhưng, mối lương duyên ấy dần mất lửa hạnh phúc khi các bên liên quan không tìm được tiếng nói chung ở những vấn đề vĩ mô.
Doanh nghiệp đến rồi đi, bóng đá Thanh Hóa lại được giao cho những doanh nhân địa phương. Với con tính ấy, bóng đá Thanh Hóa có thể không ồn ào nhưng sẽ giữ được sự ổn định. Bởi nói cho cùng, các doanh nghiệp địa phương dễ thấu cảm với lãnh đạo tỉnh hơn. Mà với bóng đá, chỉ cần hiểu, cảm thông và chia sẻ thì mọi khó khăn sẽ được giải quyết.
Đến nay, công thức địa phương và doanh nghiệp cùng bắt tay xây dựng bóng đá mà Thanh Hóa là nơi khởi xướng vẫn đúng với đặc thù của V.League. Gánh nặng tài chính được chia sẻ. Địa phương coi phát triển bóng đá là nhiệm vụ cần thực thi và đương nhiên họ sẽ có cơ chế đầu tư xứng đáng. Doanh nghiệp với sự năng động của mình sẽ giúp bóng đá có thêm sức bật và hội nhập toàn diện với bóng đá chuyên nghiệp.
Nói cho cùng, bóng đá xứ Thanh có tiền, có cơ chế để có tiền, đó là những thứ quan trọng nhất trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng, để đổi bóng này trở thành một thế lực thì tiền thôi là chưa đủ. Họ cần một chiến lược gia đủ tầm để thúc đẩy những điều kiện riêng có của bóng đá Thanh Hóa thành thứ giá trị đặc biệt. Nói cho cùng, bóng đá chuyên nghiệp không chỉ là tiêu tiền đúng cách và hiệu quả nhất. Bóng đá chuyên nghiệp là biết nhân lên những giá trị mà bóng đá mang lại để sản sinh ra tiền, hoặc công cụ để kiếm tiền. Một nền kinh tế bóng đá không phải một khái niệm xa vời nữa. Và muốn vậy, những con người ở cấp điều hành phải thực sự hội nhập với cuộc chơi.
Discussion about this post