Điểm chung máu kiếm tiền của bầu Đức và “Sắc”
Ông Đoàn Nguyên Đức là người máu và giỏi kiếm tiền như thế nào thì chúng ta đều biết. Cho dù có lúc thăng trầm nhưng dù sao đây cũng là nhân vật đầu tiên lập học viện bóng đá, mua máy bay tư nhân và thuê hẳn Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân về làm phi công riêng cho mình. Phải có rất nhiều tiền, hoặc từng có rất nhiều tiền thì bầu Đức mới làm được điều đó.
Và phải là người mê kiếm tiền thì bầu Đức mới tìm được sự đồng điệu ở một người bạn vong niên như Kiatisak, người mà ông đã chiêu mộ để đá cho CLB non trẻ Hoàng Anh Gia Lai năm 2002 đến năm 2006, rồi sau đó mời làm HLV 3 lần vào năm 2006, 2010 và 2020. Sự đồng điệu của “Sắc” với bầu Đức, ngoài tài năng và đam mê bóng đá, chính là khả năng kiếm tiền giỏi và dòng máu “bén đánh hơi tiền”.
Có thể nhiều NHM Việt Nam không biết, nhưng “Sắc” thực sự nổi danh trong nền bóng đá Thái Lan vì những phẩm chất này. Sở hữu khả năng ghi bàn sắc bén cùng điệu nhảy ăn mừng santo dần trở thành thương hiệu, cậu nhóc Kiatisak Senamuang sớm gây được sự chú ý của người dân Thái Lan khi mới chỉ ở độ tuổi teen. Chính vì thế, từ măm 16 tuổi, Zico Thái đã có trận đấu đầu tiên trong màu áo ĐT Thái Lan.
Chính bởi tài năng sớm phát tiết ấy mà Kiatisak không chỉ được đông đảo người hâm mộ của xứ Chùa Vàng kỳ vọng về một tương lai xán lạn, mà nó còn mang đến cho thần đồng Thái Lan những bản hợp đồng quảng cáo đắt giá. Giày thể thao của hãng Nike, nước uống tăng lực cho hãng Playstation – hai thương hiệu ấy đủ biến Kiatisak trở thành một công cụ marketing, một cỗ máy kiếm tiền giá trị.
Và nó cũng khiến người Thái quên đi hình ảnh một thần đồng Beckham hào nhoáng của nước Anh với tài nghệ hái ra tiền bên lề sân cỏ. Bởi đơn giản khi đó, vị thế ấy ở xứ chùa Vàng đã thuộc về Kiatisak.
Tất nhiên để kiếm những khoản tiền béo bở từ quảng cáo hay mức lương hậu hĩnh từ việc xách giày ra sân, Kiatisak cũng phải thể hiện được tài năng của mình. Zico Thái thực sự đã ghi dấu ấn đậm nét trong mọi CLB mà anh đầu quân.
5 năm ở Krung Thai Bank, anh ghi 121 bàn/145 trận. Một năm sau ở Raj Pracha, Kiatisak thậm chí ghi được 32 bàn/27 trận. Tiếp đà ấn tượng, Zico Thái một lần nữa trình diễn hiệu suất dội bom ấn tượng với 49 bàn/46 trận trong màu áo Royal Thai Police cũng như Perlis (Malaysia).
Chính nhờ bản năng sát thủ ấy, Kiatisak đã làm nên bước ngoặt lịch sử. Đó là trở thành cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên thi đấu ở xứ sở mù sương. Đầu quân cho Huddersfield Town – CLB mùa trước còn thi đấu ở Premier League, “Zico Thái” nhận mức lương 2.000 bảng/tuần, hưởng căn hộ 2 phòng ngủ cùng một chiếc xe Ford.
Quãng thời gian 1 năm không thành công ở Anh quốc đã đưa Kiatisak trở lại Đông Nam Á. Lập tức bản năng săn bàn của anh lại một lần nữa trỗi dậy trong màu áo Raj Pracha và Singapore Armed Forces. Nhờ ấy, anh lọt vào mắt xanh của đội bóng chủ sân Pleiku năm 2002 – Hoàng Anh Gia Lai.
Đội trưởng 30 tuổi của ĐT Thái Lan khi ấy hưởng một chế độ siêu khủng chưa từng có trong tiền lệ của bóng đá Việt. Anh được nhận chiếc xe Mercedes mui trần đời mới, một căn nhà với 5 phòng ngủ và đặc biệt là bản hợp đồng có giá trị lên đến 5.600 bảng/tháng – cao gấp 300 lần so với thu nhập trung bình mà một cầu thủ có được ở Việt Nam.
Anh xuất hiện ở buổi tập đầu tiên tại HAGL dưới sự chứng kiến của gần 4.000 NHM. Họ tin rằng anh sẽ là nấc thang mới trong lịch sử HA.GL. Và thực tế, sự góp mặt của Kiatisak biến đội bóng phố Núi trở thành thế lực mới của V.League với cú đúp vô địch 2 năm liên tiếp ngay khi lên hạng.
Sau 15 năm đeo đuổi sự nghiệp quốc tế, Kiatisak đã tích lũy cho mình một khối lượng tài sản đáng nể. Bên cạnh vị trí là một cầu thủ, Kiatisak còn là một doanh nhân thành đạt với sở hữu trong tay một công ty bất động sản, một nhà máy sản xuất đồ nội thất và cùng một công ty quản lý các sự kiện thể thao.
Không chỉ đá hay, kiếm tiền giỏi mà Kiatisak còn có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với người Thái. Anh viết sách cho trẻ em. “Chương trình Zico và trẻ em” với mục đích gây quỹ từ thiện nhằm mua thiết bị phục vụ bóng đá cho trẻ nhỏ của Kiatisak được đông đảo người dân hưởng ứng.
Rồi anh xuất hiện trên truyền hình Thái Lan, phổ biến những kiến thức của mình trong đá bóng và hướng dẫn đông đảo công chúng cách tập thể dục hữu ích. Ước tính, mỗi dịp cuối tuần, hàng triệu người bỏ ra 90 giây để rèn luyện sức khỏe theo lời khuyên từ Kiatisak.
Quyền lực bất khả xâm phạm của "Sắc" trong bóng đá Thái Lan
Trong ký ức của người hâm mộ bóng đá Thái Lan hẳn nhiên vẫn không thể quên được những gì đã xảy ra cách đây 16 năm. Khi ấy, Kiatisak đã khiến tất cả phải sững sờ khi dám đứng lên công khai chỉ trích Thủ tướng Thaksin Shinawatra – người sau đó phải bỏ trốn khỏi đất nước, sang Anh định cư và mua CLB Man City – rằng ông chẳng hề biết gì về bóng đá và tốt hơn hết là nên im miệng lại.
Kiatisak cũng công khai yêu cầu một cuộc đại tu trong nội tình đội tuyển quốc gia và thậm chí còn không tiếc lời chỉ trích những cầu thủ đã không có đủ tâm huyết dẫn đến việc Thái Lan sớm bị đá văng khỏi vòng loại World Cup 2016 lúc bấy giờ.
Cột mốc ấy trở thành khởi điểm cho cá tính, cái Tôi và quyền năng của Kiatisak ở bóng đá Thái. 12 năm liên tiếp không thể vô dịch đấu trường Đông Nam Á, dẫu cho tỷ phú Worawi Makudi bỏ ra cả tấn tiến để mướn HLV xịn như Peter Reid (Anh) và Winfried Schafer (Đức) buộc Thái Lan phải tiến hành cách mạng trên băng ghế huấn luyện.
Kiatisak trở thành người được lựa chọn. Nhưng với một điều kiện, ông phải toàn quyền lựa chọn nhân sự mà không được ai can thiệp vào. Quyền lực của Kiatisak được thể hiện và hình thành trong nội tình bóng đá Thái Lan kể từ khi ấy.
Dấu ấn đầu tiên khi nắm quyền Thái Lan của Kiatisak chính là thẳng tay loại bỏ 3 ngôi sao là Teerasil Dangda, Teerathep Winothai và Dasakorn Thonglao để tăng cường một loạt cầu thủ trẻ ở tuyển Olympic – những người từng cùng ông giành HCV ở SEA Games 27 và lọt vào bán kết ASIAD ở Hàn Quốc.
Công cuộc trẻ hóa và thay máu lực lượng lập tức phát huy tác dụng. Thái Lan lên ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2014 chỉ sau 2 tháng Kiatisak cầm quyền. Những ngôi sao trẻ như Charyl Chappuis, Chanathip Songkrasin trở thành niềm hy vọng mới của người hâm mộ xứ Chùa Vàng.
Đáng nói hơn, triết lý và hệ thống huấn luyện đã được “Zico Thái” xây dựng một cách bài bản và công phu, với những mắt xích cứ lắp ghép thành một khối thống nhất theo một cách tự nhiên, nhanh chóng và đầy hiệu quả.
Để căn cứ vào đó, dù không phải trực tiếp Kiatisak dẫn dắt, hệ thống ấy vẫn có thể duy trì và đủ sức mang đến những thành công cho bóng đá xứ chùa Vàng.
Hai chiến thắng của U23 Thái Lan ở SEA Games 28 và U19 Thái Lan ở giải U19 Đông Nam Á 2015 là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó. Báo giới đã tốn rất nhiều giấy mực để tìm hiểu vì sao Thái Lan lại lột xác hiệu quả đến chóng mặt. Song suy cho cùng, nó đến từ ảnh hưởng và tư duy của Kiatisak.
“Cảm nhận như thế nào về Kiatisak trên cương vị cầu thủ lẫn HLV ư? Đơn giản anh ấy không chỉ là một cầu thủ giỏi mà bây giờ còn là là một huấn luyện viên rất xuất sắc. Ở Thái Lan, mỗi khi nói về bóng đá, người ta nói về Kiatisak. Anh ấy quá nổi tiếng và quyền lực”, câu nhận xét của cựu cầu thủ Evaldo về người đồng đội cũ Kiatisak ở HAGL là đủ để toát lên giá trị và quyền uy của Zico Thái.
Thế nên, chúng ta cũng hiểu tại sao bầu Đức – sau quá nhiều lần thay tướng mà vẫn thất bại trong việc biến CLB Hoàng Anh Gia Lai thành một thế lực thực sự – đã mời Kiatisak lần thứ 3 đến Phố Núi. Ông Đức muốn làm được điều đó trong bóng đá chứ không phải chỉ “để làm vui lòng bọn nhỏ”. Có như thế, Kiatisak mới đồng ý quay lại Việt Nam trong háo hức chứ không phải vì mức lương được cho là 600 triệu đồng/tháng.
Discussion about this post