Trong lần gần đây nhất Man City ghi được nhiều hơn 1 bàn ở Premier League, họ phải trả giá với… 5 bàn thua (2-5 trước Leicester, ngay tại sân nhà). Sau trận đấu hồi tháng 9 ấy, Man City chỉ ghi đúng 1 bàn trong 5 trận liên tiếp (3 hòa) ở Premier League. Và bây giờ, có vẻ là lẽ đương nhiên khi Man City thậm chí không thể ghi bàn trong chuyến làm khách trên sân Tottenham, của HLV nổi tiếng nhất thế giới về tư tưởng, triết lý cũng như năng lực phòng ngự.
Man City đã trải qua hẳn một chuỗi “báo động” khi họ chỉ ghi 1 bàn trước các đối thủ yếu như West Ham, Sheffield United; hoặc trước các đối thủ không bao giờ ưu tiên phòng ngự an toàn khi ra sân như Liverpool, Leeds. Bây giờ thì đấy là sự khẳng định, chứ chẳng còn gì để hoài nghi hay ngờ vực nữa. Jose Mourinho là một bậc thầy phòng ngự. Ông có thể thành công hoặc thất bại, tùy lúc. Nhưng một trận đấu quan trọng do ông cầm quân thì hầu như không thể có chỗ cho sự ngẫu nhiên, kể cả khi sự ngẫu nhiên chính là bản chất của môn bóng đá. Trước một đối thủ như vậy, Man City hoàn toàn bế tắc, hầu như không thể tạo dựng cơ hội ghi bàn. Trong bóng đá, khi một đội tấn công mãi mà không ghi bàn thì họ thủng lưới là chuyện bình thường.
Đấy là thất bại mang tính hệ thống. Cho nên, hơi nực cười khi có ý kiến cho rằng, giả sử Man City có Harry Kane và Son Heung-min, kết quả sẽ khác. Không ai xem bóng đá bằng những chữ “nếu” như vậy. Nhưng, vấn đề ở đây lại khác. Kane và Son cũng sẽ thất bại khi bị đặt vào hệ thống đấu pháp của Man City? Trước đây, khi đang ngự trị trên đỉnh cao thành công, Man City sẽ chuyền mãi cho đến khi bóng được chuyền vào khung thành đối phương – chẳng cần phải có tiền đạo “sát thủ”. Tiqui-taca (lối chơi “họ hàng” với triết lý của Pep) là lối chơi từng vô địch Euro mà không cần tiền đạo đích thực trong đội hình.
Một mặt, cách tấn công đơn điệu của Man City đã bị bắt bài. Mấy cũng chỉ là luân chuyển để đưa bóng ra biên, từ đó lại dùng kỹ thuật cá nhân để ngoặt vào trong, chuyền đường quyết định sang cánh ngược lại hoặc tung cú dứt điểm khi phát hiện kẽ hở trong hàng thủ đối phương. Mặt khác, Man City trước đây tấn công hiệu quả như thể họ luôn đảm bảo sẽ có bàn thắng vì tất cả đã được đặt trên nền tảng tuyệt vời của lối chơi pressing. Họ nhanh chóng lấy lại bóng và đối phương “toang” vì chưa kịp ổn định thế thủ. Càng ngày, đối thủ của Man City càng giữ bóng được lâu hơn, với số đường chuyền liên tiếp nhiều hơn (cơ man số liệu thống kê cho thấy điều này). Nghĩa là khả năng pressing của Man City giờ đã giảm hẳn. Khi họ có bóng thì hàng thủ đối phương đã ổn định, sẵn sàng rồi.
Tóm lại, tình trạng “tầm thường hóa” của Man City đã là sự thật rõ ràng. Guardiola ở thêm 2 năm có thể vì ông thấy rõ cần thêm thời gian để điều chỉnh những gì cần chỉnh – chứ mùa này thì không “ăn thua” nữa rồi? Với một Man City đã phơi bày như thế, gần như chắc chắn đấy chỉ là một sự dang dở nếu Pep Guardiola chia tay vào cuối mùa bóng – ra đi trong thế cúi đầu và… mất mặt tượng đài!
Không bao giờ “vì Champions League”
Man City của Pep Guardiola mà đủ bản lĩnh để tranh ngôi vô địch Champions League, họ đã phải tận dụng cơ hội lịch sử trong mùa trước rồi. Họ “chỉ” gặp Lyon ở tứ kết, khi mà Liverpool, Real Madrid, Juventus đều đã dừng bước, Bayern Munich và Barcelona phải loại lẫn nhau. Chính Guardiola từng nói Champions League là giải có tính ngẫu nhiên cao, độc lập với khâu chuẩn bị. Không bao giờ đội bóng của ông thất bại ở giải VĐQG vì muốn tập trung cho Champions League!
10&12. Man City chỉ mới ghi được 10 bàn và kiếm được 12 điểm ở Premier League mùa này. Đấy là điểm số thấp nhất trong 8 trận đầu tiên của Man City kể từ sau mùa bóng 2008/09, và số bàn thắng ít nhất kể từ sau mùa 2006/07.
Discussion about this post