Rất nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao hai đội tuyển lớn bé lại thi đấu với nhau trong bối cảnh hiện tại? Đã có những ý kiến đề xuất tổ chức trận đấu giữa ĐTQG với các Ngôi sao V.League hoặc nhà vô địch Viettel thay vì cuộc đấu nội bộ giữa những đứa con của thầy Park. Thế nhưng, ông Park Hang Seo có những lý do riêng để thực hiện cái việc xưa nay hiếm. Hay nói cách khác, mọi hoạt động của bóng đá phải hướng đến những mục tiêu về chuyên môn cũng như giải quyết bài toán có thể đáp ứng yêu cầu về chuyên môn của đội tuyển.
Có thể thấy một điều, đó là từ đầu năm, ĐTQG, U22 QG không có nhiều hoạt động. Mà VFF cần phải có một cơ số những trận đấu của hai đội tuyển này nhằm đáp ứng cam kết với các nhà tài trợ. Với những người bình thường, bóng đá chỉ có hai trạng thái đá hoặc không đá. Điều kiện chưa thuận lợi thì không đá. Nhưng, bóng đá chuyên nghiệp không chỉ tồn tại riêng nó. Bóng đá có sự tác động qua lại với các yếu tố khác, trong đó, kinh doanh, khai thác hình ảnh có vai trò quyết định đến dòng tiền của một tổ chức, thậm chí của cả nền bóng đá.
Rất mừng là dù ảnh hưởng của đại dịch nhưng vẫn còn rất nhiều nhà tài trợ đứng bên cạnh bóng đá Việt Nam. Họ vẫn thực hiện cam kết của mình dù bản thân đang phải vật lộn với đại dịch. Tăng số trận đấu cao nhất có thể của hai đội tuyển vốn nằm trong cam kết với các đối tác là việc phải làm của VFF. Nó cho thấy nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và thêm nữa, những trận đấu này nếu tạo ra nguồn thu sẽ mang đến món quà ý nghĩa cho đồng bào miền Trung ruột thịt.
Bóng đá không chỉ có nhận, mà phải thể hiện sự cố gắng nhằm thực hiện cam kết của mình. Và bóng đá còn phải cho thấy khả năng ứng biến linh hoạt và hiệu quả trước những thách thức khách quan. Nói cho cùng, dù thế nào thì trái bóng vẫn phải quay, những người làm bóng đá phải làm tốt nhất có thể để thúc đẩy giá trị của đội tuyển, của nền bóng đá.
Discussion about this post